Theo số liệu thống kê của
ximang.vn, tính đến nay, toàn ngành xi măng hiện có 82 dây chuyền sản xuất xi
măng lò quay vận hành với tổng công suất là 97,64 triệu tấn. Sản lượng sản
phẩm xi măng xuất xưởng khoảng 83 - 85 triệu tấn, tăng 4 - 6% so với năm 2016.
Ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh nhất
Trong năm 2017 vừa qua ghi nhận một số dây chuyền xi măng đi vào hoạt động như:
giai đoạn 1 nhà máy Xi măng Sông Lam có công suất 12.000 tấn clinker/ngày
(tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm) đi vào hoạt động cuối tháng 4/2017; dây
chuyền 2 nhà máy Xi măng Thành Thắng có công suất lò 6.000 tấn clinker ngày
tương đương 2,3 triệu tấn/năm (tháng 7/2017); dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Long
Sơn chính thức đi vào hoạt động giữa tháng 8 vừa qua nâng tổng công suất 2 dây
chuyền lên 14.000 tấn/ngày tương đương với 5 triệu tấn/năm; đầu tháng 10/2017,
dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Xuân Thành Hà Nam có công suất 12.500 tấn
clinker/ngày cũng chính thức đi vào sản xuất.
Hiện nay, sản lượng xi măng Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới và
đứng đầu khu vực Đông Nam Á; và nếu phát triển theo đúng lộ trình đã quy hoạch
thì vị trí thứ 5 sẽ trong tầm tay vào khoảng năm 2020.
Đánh giá bức tranh chung của thị trường, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm
2017 khá thuận lợi. Tổng sản phẩm GDP tăng 6,81%, là mức tăng trưởng cao nhất
từ năm 2011 đến nay và tăng vượt mục tiêu đề ra là 6,7%. Trong đó khu vực công
nghiệp và xây dựng tăng 8% và vốn đầu tư toàn xã hội cũng đạt trên 1.667,4
nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP.
Còn đó những vấn đề nan giải
Năm 2017 chứng kiến sự biến động khôn lường của cát xây dựng, cả về nguồn cung,
cả về giá. Giá cát xây dựng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư
do phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và dự toán gói thầu, điều này như một hiệu
ứng domino, cũng làm ảnh hưởng đáng kể, làm giảm lượng tiêu thụ xi măng tại trị
trường nội địa.
Đáng chú ý, chi phí năng lượng cũng có xu hướng tăng khiến khó khăn chồng khó
khăn đối với sản xuất xi măng. Giá than, một trong những nhiên liệu đầu vào
thiết yếu cho sản xuất xi măng năm 2017 đã tăng gần 10% so với năm 2016. Cùng
đó, giá điện cũng tăng thêm 6,08% kể từ 1/12/2017, tác động mạnh đến chi phí
năng lượng trong giá thành sản phẩm xi măng và clinker.
Thời tiết năm qua không thuận lợi cho tiêu thụ xi măng. Mưa bão nhiều, lũ lụt
lớn đặc biệt tại khu vực miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ xi
măng trong nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung xi măng trong cả nước
tiếp tục tăng mạnh, nhưng nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước lại tăng trưởng
thấp so với năm 2016 khoảng 1%. Bên cạnh đó là hàng loạt yếu tố khách quan khác
cũng tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xi
măng.
Tuy nhiên, quý IV 2017 và đầu quý I 2018, Trung Quốc đã giảm mạnh xuất khẩu, và thậm chí Việt Nam đã xuất siêu được một lượng khá lớn xi măng vào thị trường Trung Quốc. Điều này cũng đã giúp doanh nghiệp xi măng trong nước đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các diễn biến này đang được ximang.vn theo dõi chặt chẽ.
Vấn đề công suất
Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, những nhà máy xi măng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nâng cao năng lực sản xuất thì thực tế đến năm 2020 tổng công suất có thể lên đến 120 - 130 triệu tấn.
Trong khi đó, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước đến năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36 - 47 triệu tấn. Số liệu của VNCA cũng ghi nhận, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng khoảng 5 - 6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80 - 82 triệu tấn.
Một nguyên nhân khác khiến công suất ngành xi măng tăng cao so với nhu cầu tiêu thụ. Đó là do cách tính công suất trong các bản quy hoạch xi măng đã bị lạc hậu. Ví dụ theo cách tính trước đây thì để làm ra 1 tấn xi măng phải sản xuất khoảng 0,8 tấn clinker cộng với khoảng 0,2 tấn phụ gia (không phụ thuộc công suất của lò). Nhưng thực tế hiện nay, do công nghệ được cải tiến, năng suất riêng của các loại lò khác nhau (tùy theo kích thước) nên để làm ra 1 tấn xi măng, tỷ lệ clinker – phụ gia thay đổi khá nhiều, thậm chí có đơn vị chỉ cần 0,6 tấn clinker và 0,4 tấn phụ gia. Công suất trong quy hoạch đề cập là công suất đối với sản lượng clinker, vì thế trong những năm qua, khi có sự cải tiến công nghệ thì công suất thực tế được nâng lên.
Xuất khẩu và yếu tố Trung Quốc
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu clinker và xi măng đến 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng xi măng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á chiếm 29,71%, các nước khác chiếm 70,29% tổng lượng xuất khẩu.
Năm qua, các doanh nghiệp xi măng trong nước đã duy trì được sản lượng xuất khẩu xi măng ở mức hơn 21 triệu tấn, hỗ trợ đáng kể cho việc hoàn thành tiêu thụ của toàn ngành xi măng.
Như đã đề cập ở trên,
một trong những yếu tố khiến xuất khẩu xi măng thuận lợi là cuối 2017, chính
sách phát triển vật liệu xây dựng của Trung Quốc đã điều chỉnh giảm đáng kể sản
xuất để bảo vệ môi trường, nên Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế xuất khẩu
clinker cho Trung Quốc. Chưa kể một loạt thay đổi theo chính sách tại quốc gia
này, như lương người lao động tăng, giá thành sản phẩm tăng lên, đẩy giá vật
liệu xây dựng tăng, giảm khả năng cạnh tranh; và dẫn đến tạo điều kiện cho xuất
khẩu của Việt Nam trong năm qua tăng lên đáng kể (vào cuối năm).
Số liệu 10 tháng năm 2017 cho thấy, xuất khẩu xi măng và clinker sang Trung
Quốc đạt 161.000 tấn, trị giá gần 5 triệu USD, tăng 480% về lượng và 470% về
trị giá so với cùng kỳ. Các thị trường chủ lực của ngành xi măng như Băngladesh,
Myanmar, Đài Loan…vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả.
Xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi, nhờ
việc điều chỉnh chính sách sản xuất vật liệu xây dựng của Trung Quốc nói trên.
Theo đó, Chính phủ Trung Quốc chủ trương giảm phát triển nóng bất động sản, thị
trường xây dựng, chú trọng bảo vệ môi trường... dẫn tới giảm sản lượng toàn
ngành sản xuất vật liệu xây dựng...
Mặt khác về chiến lược, Trung Quốc không chủ trương xuất khẩu xi măng như
trước đây. Gần đây, đã có giai đoạn giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng
phải hết sức chật vật khi cạnh tranh với clinker Trung Quốc tại các thị trường
truyền thống. Thay vào đó, hiện Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được clinker sang
Trung Quốc với mức giá tương đối thuận lợi.
Thuế xuất khẩu về 0%
Bên cạnh việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách, trước thềm năm mới 2018, một
tin vui được các doanh nghiệp xi măng mong đợi cũng đã đến sau gần 2 năm đi gõ
cửa kêu cứu bởi câu chuyện thuế gây khó cho hoạt động xuất khẩu. Theo đó, từ
ngày 1/2/2018 thuế xuất khẩu xi măng sẽ được áp dụng mức thuế 0%. Đây là chính
sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam;
và đã giúp giá trị xuất khẩu tăng từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Các doanh nghiệp xi măng trong nước đã trút bỏ được một gánh nặng và phấn khởi
tập trung vào sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, TS. Nguyễn Quang Cung nhận định, năm 2018
triển vọng thị trường xi măng Việt Nam tốt hơn hẳn, bức tranh toàn cảnh sẽ xuất
hiện gam màu sáng. Bởi đồng hành với đó là những cải thiện trong chính sách của
Chính phủ khi từ cuối năm 2017 đã quyết định đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0%
và cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng. Riêng đối với clinker, các doanh nghiệp
cũng đang kỳ vọng chính sách cũng có những thay đổi theo hướng thuận lợi hơn,
nhưng cũng phải đợi thêm vài năm nữa.
Tín hiệu khả quan từ thị trường xuất khẩu
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong những
tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tấn xi măng và clinker ra thị trường nước ngoài
tăng rất mạnh 121% về lượng và tăng 112% về kim ngạch so với tháng đầu năm
2017, đạt 2,9 triệu tấn, tương đương 101,12 triệu USD; so với tháng cuối năm
2017 cũng tăng 13,5% về lượng và tăng 3,7% về kim ngạch.
Giá xi măng, clinker xuất khẩu trong tháng 1/2018 giảm 4,6% so với tháng 1/2017
và giảm 8,6% so với tháng 12/2017, đạt trung bình 34,8 USD/tấn,
Trong số 12 thị trường chủ yếu xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam, thì xuất
khẩu sang Bangladesh nhiều nhất, chiếm 31,3% trong tổng lượng xuất khẩu xi măng
và clinhker của cả nước và chiếm trên 27,6% trong tổng kim ngạch, với trên
909.109 tấn, trị giá 27,94 triệu USD (tăng 40,5% về lượng và tăng 45,2% về kim
ngạch so với cùng kỳ năm 2017).
Philippines là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2, chiếm 20% trong tổng lượng xuất
khẩu xi măng và clinker của cả nước và chiếm trên 25,8% trong tổng kim ngạch,
đạt 580.864 tấn, trị giá 26,06 triệu USD (tăng 114,9% về lượng và tăng 85,4% về
kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc, mặc dù trong tháng 1/2017 Việt Nam không
xuất khẩu xi măng sang thị trường này, nhưng trong tháng 1/2018 đã xuất
758.555 tấn, trị giá 23,96 triệu USD chiếm 26% trong tổng lượng xuất khẩu xi
măng và clinker của cả nước và chiếm trên 23,6% trong tổng kim ngạch. Tuy nhiên
vẫn giảm so với tháng 12/2017 gần 23,6% về lượng và tăng 31% về kim ngạch. Dự
báo thị trường này sẽ tăng mạnh trong năm 2018.
Nhìn chung, xuất khẩu xi măng, clinker trong tháng đầu năm nay sang hầu hết các
thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2017; trong đó xuất sang Đài Loan tăng
mạnh nhất, tăng 545,6% về lượng và tăng 470,5% về kim ngạch, đạt 161.407 tấn,
trị giá 4,88 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu còn tăng mạnh ở một số thị
trường như: Malaysia tăng 109,3% về lượng và tăng 91,4% về kim ngạch, đạt
65.292 tấn, trị giá 2,03 triệu USD và Philipines tăng 114,9 % về lượng và tăng
85,4% về kim ngạch.
Chỉ có 2 thị trường bị sụt giảm so với cùng kỳ đó là Australia và Peru. Cụ thể:
xuất sang Australia giảm 44% về lượng và giảm 7,5% về trị giá, đạt 612 tấn, trị
giá 73.520 USD. Xuất sang Peru giảm gần 40% cả về lượng và trị giá, đạt 50.465
tấn, trị giá 2,3 triệu USD.
Khả quan thị trường nội địa
Bên cạnh đó, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng rõ nét, tạo tâm lý
tích cực cho thị trường chứng khoán, bất động sản. Hàng loạt các dự án bất động
sản đã được quy hoạch vào giai đoạn trước sẽ được triển khai và hiện thực
hóa. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh, đã xong giai đoạn
chuẩn bị đầu tư, đến nay chuyển sang giai đoạn thi công xây dựng. Đầu tư nước
ngoài trong các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng... vẫn tiếp tục được chú
trọng đẩy mạnh, hứa hẹn các dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy, thông suốt.
Đây là yếu tố tiền đề cho một năm hứa hẹn của ngành xi măng Việt Nam.
Những cảnh báo cần thiết
Nhưng nếu không tỉnh táo, xi măng Việt Nam có thể rơi vào cái bẫy khủng
hoảng thừa nghiêm trọng trong một số năm tới; mà nền quản trị quốc gia sẽ bị
mất kiểm soát, nếu không lường trước và có giải pháp phù hợp, ngay từ bây giờ.
Thị trường tiêu thụ xi măng toàn cầu, với định hướng chuyển sang một nền kinh
tế xanh hơn, để phù hợp với xu thế thời đại, sẽ là thách thức mà xi măng Việt
Nam phải tính đến, trong một tương lai không xa, khi Việt Nam tham gia vào
các Hiệp định hợp tác kinh tế toàn cầu, như CPTTP.
Đó là yêu cầu cắt giảm sản lượng khai thác tài nguyên, cắt giảm lương tiêu thụ
nhiên liệu, giảm phát thải. Nếu không sẽ phải trả những khoản chi phí rất lớn.
Sản xuất sẽ không còn hiệu quả.
Những hậu họa về môi trường sống, phản ứng của người dân, sự khắt khe hơn của
Chính phủ... ngày càng sẽ là sức ép đáng kể, buộc các nhà sản xuất phải hết sức
thận trọng trong đầu tư.
Xuất khẩu vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Bản chất là bán lúa non, xuất bán tài
nguyên, bán chôn nuôi miệng, ăn hết phần của con cháu sau này. Không cẩn thận ,
sẽ không tránh khỏi sau này bị cháu con nguyền rủa.
Khi thế giới chuyển sang giai đoạn công nghệ 4.0, bao chùm sẽ là nền kinh tế
xanh, bền vững, vì con người, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, với sự phát
triển mạnh mẽ của nông nghiệp hữu cơ và du lịch... thì phát triển xi măng, một
ngành công nghiệp nặng thô kệch và bụi bặm, dường như là sự mông muội thể hiện
sự tụt hậu của một quốc gia.